Đời sống bí mật của côn trùng gây hại- Chuyên đề RỆP

Rệp xuất hiện từ rất lâu nhưng chúng không gây hại cho chúng ta… cho đến khi cây trồng được canh tác hàng loạt. Hiện nay ghi nhận được 4000 loại rệp, có loài không cánh, có cánh, màu đen, màu xanh…

Về định nghĩa rệp là côn trùng chích hút. Miệng chúng có 2 cái càng, càng giúp chúng phá hủy thành tế bào xong đến tế bào và cuối cùng là mạch dẫn để hút chất từ cây.

Sự xuất hiện

Sự xuất hiện và mật độ của rệp phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn thức ăn và thời gian

Về nguồn thức ăn,yếu tố quyết định hàng đầu là lượng chất có nguồn gốc từ axit amin, amid… thứ 2 là đường. Dễ hiểu tại sao rệp hay xuất hiện ở những cây rau ăn lá như cây cải, cây đậu đỗ vì chúng rất nhiều đạm. Cách thức canh tác bón phân cũng ảnh hưởng đến tình trạng sâu bệnh: bón phân nhiều đạm, cây tốt lá tạo điều kiện cho rệp bùng phát. Cây không chăm sóc thì không bệnh tật gì do chúng được bón ít phân hơn, thành phần nước dịch tế bào không hấp dẫn với rệp, còn cây được bón phân kỹ càng thì lại lắm sâu bệnh…

 Một số loại rệp có khả năng chuyển biến từ chủng không có cánh sang chủng có cánh. Điều này giải thích 1 phần do thời gian xuất hiện.

Thông thường mùa xuân là mùa thuận lợi nhất cho rệp bùng phát. Lá non, thành tế bào mỏng, nhiều dịch tế bào hấp dẫn. Nhưng khi trời chuyển dần sang hè, cây già hơn, lá cứng hơn, dịch tế bào sánh hơn, tập đoàn rệp cảm thấy “khó sống” , chúng sinh sản giảm dần . Một phần trong số chúng sẽ chuyển sang dạng có cánh và bay đi trú ẩn hoặc tìm vật chủ khác, thông thường đó là cỏ dại. Chúng chờ thời cơ để tấn công vật chủ khác ngon hơn xanh hơn. Nên dễ hiểu vì sao trong canh tác cây rau, nên kiểm soát chặt chẽ cỏ dại vì đó là nơi trú ẩn của  côn trùng gây hại.

Về khả năng gây hại của rệp thì không cần giải thích chắc ai cũng biết. Chúng có càng, phá hủy thành tế bào, có vòi hút, hút dịch tế bào, đồng thời “nước bọt” của chúng chứa nhiều men, hóc môn, phân giải các chất trong dịch tế bào thành những chất dễ “ăn” hơn đối với chúng. Tức là đã khiến cho cây chủ phát triển không như ý muốn. Cây nào bị rệp là các bạn sẽ thấy nó nhăn nheo, dúm dó , còi cọc.

Chúng còn là nguồn mang vi rut cho cây chủ, thế hiện rõ nhất trên cây cà chua.  Vi rút bám trên thân chúng, sinh sản trên đó và được chúng hòa vào “nước bọt” tiêm vào cây chủ, phá hủy cây chủ.

Rệp có 1 cơ chế “ẩn náu’ rất chắc chắn trên cây chủ. Chúng “tiêm” lá làm lá cây cong queo, cuộn lại ôm gọn lấy chúng, vô hình chung tạo thành một cái ổ vững chắc. bảo vệ chúng khỏi mọi sự tác động và mọi loại thuốc bảo vệ thực vật.

BẢO VỆ THỰC VẬT

Mọi quy trình bảo vệ thực vật đều bắt nguồn từ kỹ thuật trồng

  • Giống : hiện tại chọn giống chịu rệp chưa tiến hành được nhiều. tuy nhiên một số nơi đã chọn những dòng giống có cơ chế cơ học chống rệp rất hiệu quả. Ví dụ như công ty Semco Junior (đại diện tại Việt Nam – Vườn ươm Lina) đang chuẩn bị cho ra cà chua F1 Dalat, có cơ chế kháng rệp rất cơ họcdòng cà chua F1 Đalat có lớp lông rất dày trên cả thân và lá , sẽ tạo thành lớp bảo vệ vững chắc khỏi mọi sự chích hút của rệp. 
  • Phân bón: Bón một loại phân thiên về phân đạm , ít phốt pho và kali sẽ dẫn đến khả năng bị rệp gấp 2-3 lần. Bón phân hóa học có nhiều đạm ở dạng dễ hấp thụ , khiến cây trở nên hấp dẫn với rệp. Nên bón phân hợp lý và cân bằng thành phần.
  • Thiên địch:
  • Ấu trùng ruồi mắt đỏ (Chrysopidae) là kẻ thù số 1 của rệp. Ruồi mắt đỏ đẻ trứng ngay trên tổ của rệp, hoặc cạnh đó, ấu trùng khi lớn ăn thẳng rệp , chỉ mất 30s để ăn một con. Ấu trùng lớn 1 ngày có thể ăn 20-60 con. Tại nhiều quốc gia canh tác hữu cơ, có những cơ quan công nghệ sinh học chuyên cung cấp ấu trùng ruồi mắt đỏ dưới dạng lọ, viên, để các trang trại xử lý rệp, nhện, sâu vẽ bùa.   
  • Bọ rùa: bọ rùa chỉ xuất hiện khi có rệp. Nhớ kỹ điều này , nhiều nơi cố gắng nuôi bọ rùa để thả vào vườn nhưng dường như không hiệu quả, chúng nhanh chóng bay đi. Theo nghiên cứu, chúng chỉ bay đến khi vườn có “thức ăn” tức là rệp.., càng nhiều rệp , càng xuất hiện nhiều bọ rùa. Vì thế nhiệm vụ của người nông dân thuận tự nhiên là nên để trong vườn một vài “ổ’ rệp, thông thường là hàng rào, nên trồng một vài cây có khả năng làm nơi ẩn núp của rệp. Đó sẽ là nguồn thức ăn tự nhiên để lôi kéo bọ rùa. Ấu trùng bọ rùa có khả năng ‘ăn” những con rệp đã cuộn lá che chắn, mà mọi loại thuốc bảo vệ thực vật không xi nhê gì với nó. 1 con ấu trùng bọ rùa có thể ăn đến 500 con rệptrong vòng đời 15-25 ngày sống. Nếu xuất hiện rệp trong vườn hãy đừng xịt thuốc nặng,  hãy dùng những thứ nhẹ nhàng như dung dịch nước rửa bát, nước ngâm lá cà chua, hành tỏi để giảm mật độ rệp, tiếp theo , hãy theo dõi quân số và chờ sự xuất hiện của ‘cứu tinh” bọ rùa.
  • Bọ rùa
  • Ấu trùng ruồi giả ong (tên khoa học syrphidae). Ấu trùng có dạng giun nhỏ , có thể ăn cả những con rệp đang ẩn náu trong kén. Ruồi đẻ 1 vòng là 5-6 lứa, vòng đời ấu trùng là 5-10 ngày ,có thể tiêu diệt 400-450 con rệp. Ruồi syrphid thích những cây cho hoa lấy mật như cúc xu xi, vạn thọ. Vì thế phương pháp hiệu quả cân bằng tự nhiên là …trồng những cây thu hút ong bướm có lợi. (có thể liên hệ addmin để mua hạt giống). Người Mỹ thường trồng cúc xu xi xung quanh ruộng đậu hà lan, hoặc trồng những luống rộng 5-10 m cách mỗi khoảng 50-70 m, để tăng mật độ thiên địch.Ruồi giả ong

   Có thể ứng dụng trên dưa chuột, cây hay bị rệp nhất. trồng cạnh dưa chuột 1 luống xu xi, kèm ít thì là , mật độ rệp giảm 30-40% so với luống trồng xa hoa.

  • Ong bắp cày Braconid: trứng của ong bắp cày ký sinh trên rệp. . ong bắp cày dài chỉ 2,5-3mm, có 2 cặp cánh . Chúng đẻ trứng ngay trên con rệp và sau vàu ngày ấu trùng sẽ ăn rệp. Ong bắp cày cũng sẽ đến những nơi nào có hoa, hoa thu hút ong như vạn thọ, xu xi.

TỔNG KẾT CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ THỰC VẬT

Nếu canh tác theo kiểu thuận tự nhiên thì phải chấp nhận một sự thật là …không được đuổi cùng diệt tận, không có biện pháp nào 100% tiêu diệt hết sâu bệnh. Để giữ cần bằng tự nhiên cần hiểu biết về sinh học sâu bệnh, chỉ có thế mới áp dụng các biện pháp  để cân bằng tự nhiên và không để bùng phát sâu bệnh.

Những biện pháp cơ bản chúng tôi có thể khuyên dùng như sau

  • Tạo điều kiện tốt nhất để thu hút thiên địch; trồng hoa xen canh như vạn thọ, sen cạn, cúc xu xi…trồng hàng rào hoa, trồng xen giữa các luống rau
  • Thay phân hóa học bằng phân hữu cơ với đầy đủ thành phần NPK, hãy chỉnh dinh dưỡng cây một cách khoa học
  • Chọn giống có cơ chế phòng rệp cơ học để trồng
  • Trồng đúng mật độ, ruộng thưa thoáng, đủ sáng, có gió thổi.
  • Nếu mật độ rệp vượt quá ngưỡng cho phép , nên dùng các biện pháp “mềm” như xịt vòi nước mạnh rửa trôi, dung dịch nước xà phòng, tỏi ớt.
  • Trồng các cây “nặng mùi” xua đuổi như vạn thọ, cà chua, hành tỏi cạnh cây trồng chính. Hoặc có thể kiểm soát bằng cách xông khói.
  • Trồng cây cho hoa lấy mật như cúc xu xi cũng thay vì mọc cỏ dại
  • Khi lựa chọn một phương pháp, hãy nhớ rằng bền vững nhất vẫn là thiên địch, nếu biện pháp nào mạnh quá chúng sẽ đuổi cả thiên địch đi và chỉ còn bạn với “rệp”. Lúc đó công việc của bạn còn nhiều hơn.

Tư liệu được biên tập từ Vườn ươm Lina

nguồn tài liệu tham khảo “Cuộc sống bí mật của côn trùng gây hại: tác giả N.M Zirmunskaya, xuất bản Saint peterburg 2019

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *